Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, quy hoạch được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Bình Định phát triển đột phá và tạo ra kỳ tích về phát triển kinh tế – xã hội.

Ngày 23/12, tại lễ công bố quy hoạch tỉnh Bình Ðịnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, quy hoạch tỉnh này được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh.

Đầu tư các dự án động lực, có tính lan tỏa

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, quy hoạch tỉnh Bình Định nhằm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 26 về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thể hiện khát vọng của Đảng bộ và nhân dân Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Trong đó, tỉnh Bình Định sẽ đóng vai trò là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.

“Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Bình Định; được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Bình Định phát triển đột phá và tạo ra kỳ tích về phát triển kinh tế – xã hội”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị tỉnh Bình Định cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh một cách chi tiết, khoa học, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương.

Cùng với đó, tỉnh cũng phải huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, tư nhân, các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.

Trong đó, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối Bình Định với các địa phương trong khu vực, cả nước và quốc tế; thu hút nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các ngành kinh tế biển.

“Ưu tiên đầu tư các dự án động lực, có tính lan tỏa, tạo không gian phát triển mới và những động lực, năng lực mới, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững”, Phó Thủ tướng gợi mở.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái còn yêu cầu tỉnh Bình Định tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng; lắng nghe, đối thoại, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Ngoài ra, tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài theo định hướng phát triển của tỉnh Bình Định, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, tỉnh cũng cần xây dựng các chế độ, chính sách đãi ngộ và thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tới làm việc tại Bình Định.

Điểm đến tầm cỡ thế giới – hàng đầu khu vực

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho hay, địa phương luôn xác định công tác xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa hết sức quan trọng và phải đi trước một bước.

“Đây là công cụ cần thiết để hoạch định, quản lý, điều hành thống nhất, xuyên suốt kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngành, lĩnh vực, cũng như phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của tỉnh”, ông Tuấn khẳng định.

Trong khi đó, theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, quy hoạch tỉnh Bình Định là một công cụ đặc biệt hiệu quả để “hiệu triệu” đầu tư, thu hút “đại bàng” đúng nghĩa, việc này giúp Bình Định tạo đột phá phát triển trong nỗ lực “đi sau – vượt trước”.

“Không phải tình cờ, không hề khoa trương khi mục tiêu xuyên suốt quy hoạch tỉnh là xây dựng Bình Định thành điểm đến tầm cỡ thế giới – hàng đầu khu vực”, PGS-TS. Trần Đình Thiên nói.

Còn TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, quy hoạch đã khó, nhưng triển khai quy hoạch còn khó hơn nhiều.

TS. Trần Du Lịch cho hay, quy hoạch tỉnh Bình Ðịnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một cuộc cách mạng về quy hoạch. Theo đó, lần đầu tiên quy hoạch tích hợp tất cả các ngành, các lĩnh vực gắn với vấn đề phát triển, sử dụng tài nguyên và an ninh – quốc phòng.

“Trước đây, khi nói tới quy hoạch thường chỉ phát triển cái nọ, cái kia nhưng không trả lời vấn đề phát triển ở đâu, chỗ nào và nguồn lực nào. Quy hoạch lần này đã trả lời các vấn đề đó”, TS. Lịch cho hay.

Đặc biệt, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu, đặc biệt Bình Định phải kiên trì về phát triển xanh. Bình Định phải nắm bắt chính sách của Chính phủ để đi nhanh vào thị trường cacbon nhằm tạo lợi thế cạnh tranh; ưu tiên phát triển các dự án điện gió ngoài khơi để chuyển đổi năng lượng nhằm phục vụ kinh tế xanh.

“Đây là một điểm đột phá, của đột phá nếu Bình Định tận dụng lợi thế này”, TS. Lịch thông tin thêm.