Việc ký kết được nghị định thư là điều kiện để dưa hấu Việt Nam thâm nhập vào các siêu thị, chợ đầu mối lớn sâu trong nội địa Trung Quốc.

Bộ NN&PTNT cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa hoàn tất ký kết nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch dưa hấu từ Việt Nam (VN) sang Trung Quốc. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả VN, về ý nghĩa của sự kiện này.

Có thể thâm nhập sâu vào nội địa Trung Quốc

Phóng viên: Vừa qua, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ VN sang Trung Quốc. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

+ Ông Đặng Phúc Nguyên: Sau khi nghị định thư được ký kết có nghĩa là từ nay dưa hấu Việt Nam sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Điều này sẽ giúp thị phần xuất khẩu của dưa hấu tăng so với trước đó.

Trước đây dưa hấu Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nên chỉ được xuất bán ở các vùng dân cư khu vực biên giới trong vòng 30 km trở lại, không được đi sâu vào nội địa Trung Quốc. Vì xuất khẩu tiểu ngạch nên giấy tờ, thủ tục đơn giản, tiểu thương hai bên làm việc với nhau không cần ký hợp đồng, chủ yếu dựa trên lòng tin nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nhưng sau khi ký kết nghị định thư, dưa hấu xuất khẩu chính ngạch thì phải có tem nhãn, có công ty, địa chỉ rõ ràng, phải khai báo mã số cơ sở đóng gói, vùng trồng… Đây cũng là điều kiện để dưa hấu VN thâm nhập vào các siêu thị, chợ đầu mối lớn sâu trong nội địa Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay sau khi nghị định thư về dưa hấu có hiệu lực, đòi hỏi từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói phải chuẩn hóa, tuân thủ theo quy định và yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu dưa hấu của VN sang Trung Quốc như thế nào? Ông đánh giá ra sao về tiềm năng của thị trường Trung Quốc với mặt hàng này?

+ Trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu dưa hấu của VN sang Trung Quốc đạt khoảng 50 triệu USD/năm. Đơn cử, năm 2021 chúng ta xuất sang Trung Quốc được khoảng 51 triệu USD, sang đến năm 2022 giảm còn 21 triệu USD vì bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc được khoảng 42 triệu USD nên ước tính hết năm được hơn 50 triệu USD.

Con số trên có thể còn tăng hơn nữa sau khi VN và Trung Quốc ký nghị định thư. Nhưng quan trọng, đây còn là cơ hội để dưa hấu nói riêng và các loại trái cây khác của VN vào các siêu thị, chợ đầu mối lớn sâu trong nội địa Trung Quốc.

Vì sao vậy, thưa ông?

+ Vào mùa hè, người dân Trung Quốc tiêu dùng dưa hấu – một loại trái cây của mùa hè rất nhiều. Trung Quốc cũng trồng được dưa hấu với chất lượng rất tốt, loại dưa hấu không có hạt. Thế nên họ ưu tiên sử dụng trái cây trong nước. Chỉ khi mùa đông, thời tiết giá lạnh, không trồng được thì họ mới nhập khẩu dưa hấu của VN. Chúng ta xuất khẩu vào dịp này là chính.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng dưa hấu vào mùa đông của người dân Trung Quốc lại không cao, chủ yếu phục vụ cho lễ, Tết. Việc ký được nghị định thư giúp hàng hóa được thông quan nhanh hơn nhưng khó đẩy được kim ngạch tăng đột biến như nhiều mặt hàng trái cây khác. Tuy nhiên, đây cũng là một tin tốt.

Trong Tuyên bố chung VN – Trung Quốc nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây, phía Trung Quốc cho biết sẽ mở thị trường cho nhiều loại nông sản của VN như dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi. Bên cạnh đó, các mặt hàng như dược liệu Đông y có nguồn gốc thực vật, thịt bò, thịt heo, sản phẩm từ gia súc, gia cầm cũng được Trung Quốc tạo điều kiện nhập khẩu.

Ngoài VN thì Trung Quốc có nhập khẩu thêm dưa hấu của các quốc gia nào khác không, thưa ông?

+ Có. Trung Quốc đang nhập thêm dưa hấu của Myanmar, Lào. Lý do thì như tôi đã nói ở trên, vì mùa đông, trời lạnh nên họ không trồng được dưa hấu, buộc phải nhập khẩu.

Dưa hấu là giống cây ngắn ngày nên diện tích, sản lượng trồi sụt theo nhu cầu của thị trường. Cách đây 1-2 năm thì diện tích trồng dưa hấu khoảng 20.000 ha, sản lượng khoảng 600.000-700.000 tấn, chủ yếu là phục vụ nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Xuất khẩu rau quả kỳ vọng 6 tỷ USD

Thưa ông, ngoài ký nghị định thư về dưa hấu thì trong Tuyên bố chung VN – Trung Quốc mới đây có thể hiện Trung Quốc sẽ nhập thêm nhiều loại trái cây, nông sản khác của VN. Ông có suy nghĩ thế nào?

+ Bộ NN&PTNT đang làm việc với Trung Quốc để tìm hướng xuất khẩu cho sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, bưởi…

Với sầu riêng, hiện mới xuất khẩu dạng quả tươi nhưng kim ngạch đã đạt được một nửa so với Thái Lan, nếu xuất khẩu được thêm sầu riêng đông lạnh sẽ giúp nâng cao kim ngạch so với nước bạn. Đặc biệt, sầu riêng, dừa tươi, bưởi… đều là những trái cây mà VN đã có thương hiệu, có sản lượng lớn, nếu mở cửa được thị trường Trung Quốc thì kim ngạch xuất khẩu còn tốt hơn nữa.

Ông đánh giá thế nào về xuất khẩu trái cây của VN trong năm 2023?

+ Hết 10 tháng, xuất khẩu trái cây đạt 4,9 tỷ USD, ước tính cả năm 2023 đạt khoảng 5,6 tỷ USD. So với năm 2022, xuất khẩu rau quả chỉ hơn 3,3 tỷ USD, năm nay xuất khẩu tăng vọt lên 5,6 tỷ USD.

Đáng chú ý, năm 2021 sầu riêng xuất sang Trung Quốc chỉ đạt 217 triệu USD. Từ giữa năm 2022, khi ký được nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu sầu riêng, kim ngạch xuất khẩu cả năm đã tăng lên hơn 700 triệu USD. Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng có thể đạt 2,2 tỷ USD. Năm nay, xuất khẩu mít cũng tăng hơn 40% so với năm ngoái.

Sầu riêng, mít đều là các loại trái cây được người dân Trung Quốc ưa thích nhưng nước họ không trồng được hoặc chỉ có diện tích trồng rất ít.

Năm 2023 được đánh giá là một năm bội thu của trái cây xuất khẩu, đặc biệt là sầu riêng. Sang năm 2024, liệu việc xuất khẩu mặt hàng rau quả có tiếp tục khả quan, thưa ông?

Có thể nói năm 2023 là một năm bội thu của trái cây xuất khẩu, đặc biệt là sầu riêng. Nếu không có biến động thị trường, dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả của VN trong năm 2024 có thể đạt hơn 6 tỷ USD.